Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Một hướng nhìn về vấn đề gia phả


Vấn đề họ tộc của người Việt có lẽ không mới. Suy cho cùng, con người tự bản chất đã không thể tự tách biệt mình với xã hội. Người ta có thể dùng trực giác để phân biệt lẫn nhau, nhưng về tri giác, chúng ta không thể tự mình phân biệt được những cá thể mà không liên hệ mỗi người với những đặc điểm hình thể có thể nhận thức được bằng giác quan. Do vậy, việc con người tìm ra danh tính, đặt cho mỗi sự vật, mỗi người một cái tên là cách chuyển dịch đột phá khiến cho phạm vi giao tiếp của chúng ta tăng hiệu suất rõ rệt. Nhưng bài viết này không đào sâu vào sự chuyển dịch đó. Gần đây, có những bài viết về sự khác biệt trong văn hóa các miền thể hiện qua gia phả mà dựa vào đánh giá tổng thể, tôi không thực sự đưa ra được nhận xét rằng bài viết nào có giá trị hơn, bởi đa số đều viện dẫn những thống kê, hoặc các nguồn, mà nếu truy sâu rộng ra thì công cuộc đó sẽ dẫn người đọc đến những nghi ngờ khác nữa. Dĩ nhiên trong đó vẫn có những dẫn chứng xác đáng, nhưng tôi thích một lối viết khiến người đọc chỉ cần bằng tư duy cũng đủ rút ra những quan điểm mà dựa vào đó họ có thể tự tìm câu trả lời. Và bởi những lý do sẽ nói sau, tôi tin rằng đây là một hướng đi mà chúng ta nên dành thêm cho nó phần tôn trọng đúng mực bởi nó khiến cho chính người đọc cũng được quyền dẫn dắt. Tôi cũng sẽ tránh nói về nguồn gốc của tên gọi, vì những giới hạn trong kiến thức cũng như nhận thấy những quan điểm ở “phần ngọn” cũng đủ để giải quyết vấn đề.
[Trong bài viết này, tôi sẽ dùng từ “gia phả” để nói về phần ý niệm, mà cuốn sổ gia phả là phần hiện diện thực tế của nó, đồng thời các từ dòng họ, họ tộc tôi dùng với cương vị ngang nhau. Cho những ai chưa quen với khái niệm sổ gia phả, thì đó là tập ghi tên tuổi, năm sinh, năm mất (nếu có), nguyên quán, và một số trường hợp, là sự nghiệp của một cá nhân trong dòng họ. Gia phả sẽ bao gồm trong đó tất cả ai được người trong họ công nhận là có mối liên hệ huyết thống, một số trường hợp ghi tên con nuôi, con ngoài giá thú. Một họ tộc trong gia phả bao gồm chi chính, tức những người có địa vị cao nhất trong họ tộc, có giá trị ý kiến cao nhất, và chi thứ].
Có lẽ chúng ta dễ đồng ý với nhau rằng không phải gia đình miền Bắc nào cũng có gia phả, hay tên họ sẽ hiện hữu trong gia phả của chi chính. Một lời giải thích đơn giản về sự chia cắt giao tiếp giữa một chi với phần còn lại trong họ là đủ để thấy rằng có đứt gãy trong mối liên hệ giữa các chi với nhau và của chi đó với cả họ là đủ để  chi bị tách rời này đưa ra hai lựa chọn: viết lại một cuốn gia phả khác theo trí nhớ, cố ghi lại càng nhiều càng tốt thông tin từng có trong cuốn gia phả gốc để mong một ngày được về lại với họ tộc, hoặc cắt đứt luôn, nghĩa là về mặt xác tín, người ta không trực tiếp xem như mình có họ với tộc cũ thông qua gia phả. Đây là lý do khiến nhiều họ tộc có thể có liên quan về huyết thống, có cùng gia phả ở một thời điểm, và không cùng gia phả ở các thế hệ sau. Điều này có những lý do riêng.
Về vấn đề viết lại một cuốn gia phả, hay nói chung là về vấn đề gia phả trong xác định mối quan hệ giữa các chi trong họ tộc dựa trên sự xác nhận của những người trong họ, tạm gọi là vấn đề nội sinh. Khi nhu cầu về việc xác nhận mối liên hệ giữa các cá nhân trong họ đòi hỏi phải được thể hiện bằng văn bản, gia phả sẽ được xác lập. Người ta có thể nói về yếu tố tín ngưỡng, đạo đức gia đình là nhu cầu chính đáng để lập gia phả, nhưng yếu tố có giá trị nhất chính là nhu cầu có một văn bản tồn tại như một đồng thuận tập thể, trong đó xác định mối liên hệ, địa vị của các thành viên trong họ dựa trên quan hệ huyết thống. Đây là yếu tố cốt lõi của gia phả, bởi huyết thống là nguồn gốc xác lập một gia tộc. Đồng thời nếu không dựa trên huyết thống, gia phả không có cơ sở để xác lập hay phân ngôi, và nếu không được sự nhất trí bởi tập thể trong gia phả, nó sẽ không có giá trị. Quan hệ huyết thống là một yếu tố có giá trị thay đổi. Một đứa con được sinh ra bởi vợ cả, được chính bố đẻ nó xác nhận, bà mụ xác nhận, và lớn lên nó có nét giống bố được khẳng định chắc chắn rằng đó là con của ông ta. Còn nếu đứa trẻ được sinh ra bởi một kẻ người ở trong một gia đình nhiều con trai, tính huyết thống của nó có thể bị phủ định thẳng thừng. Ngược lại, người ta vẫn có thể cho con để thừa tự nếu chi chính hiếm hoi không có con trai. Như vậy, tính huyết thống mặc dù là nền tảng của gia phả, nhưng nó vẫn chịu những định chế cổ xưa và mạnh mẽ hơn về nhu cầu thừa tự, tính hợp quy cách. Bên cạnh đó, yếu tố xác thực bởi những người trong họ cũng ảnh hưởng đến việc xác nhận một thành viên trong gia phả. Như đã nói, do gia phả là sự liên kết lợi ích của các thành viên, nên sự chấp thuận hay loại trừ một thành viên trong gia phả là cách hồi tác của tập thể lên quyền lực của cá nhân đó. Một cá nhân làm tổn hại lợi ích của tập thể trong gia phả đến một mức nào đó sẽ chịu sự trừng phạt của tập thể thông qua phán quyết của trưởng họ, hoặc bởi những thành viên trong tập thể đó. Điều này thể hiện rất rõ khi một người đàn ông trong họ không có con trai. Ông ta phải chịu sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của cả họ, mặc dù những đứa con gái được giáo dục tốt, nhưng không có con trai đồng nghĩa với nguy cơ tuyệt tự của cả chi họ đó, nên người đàn ông kia bị xem như một kẻ phá hoại lợi ích của dòng họ, làm cho dòng họ bị yếu đi. Như vậy, nhu cầu tồn tại của dòng họ cao hơn nhu cầu di truyền, và trong điều kiện ngặt nghèo, một dòng họ muốn duy trì được bắt buộc phải chấp nhận cho một đứa con khác ngoài huyết thống, hoặc đáng lý không được thừa tự nhưng vẫn có liên hệ về huyết thống ( họ ngoại) đảm nhiệm. Do đó, dễ hiểu tại sao lúc này người ta chấp nhận xác tín bằng uy tín của một thế lực khác to lớn hơn: tập thể bên ngoài.
Lực lượng này có thể chia làm hai loại: nhà nước và ngoài nhà nước. Nhà nước là sự thể hiện cao nhất của các cam kết mạnh mẽ nhất của xã hội. Người ta tôn một người có uy tín cao nhất, địa vị cao nhất, hội tụ niềm tin duy trì trật tự xã hội cao nhất lên làm vua, và vì thế, vua mang sức mạnh của tập thể lớn nhất là cả nước, đồng thời vua còn thể hiện quyền lực của mình bằng cách ban hành các luật lệ mà phạm vi các luật ấy không bao gồm vua. Khi một ông vua, thông qua hệ thống quan lại của mình, xác nhận danh tính một người và ghi những điều đó vào một tờ giấy, thì tờ giấy đó mặc dù không phải là một công cụ để xác định danh tính ( ví dụ máy xét nghiệm nhóm máu, máy phân tích AND, hay cổ xưa như nghiệm pháp hòa hợp máu), có giá trị tương đương tất cả những biện pháp mà ngày xưa sử dụng. Và vì vua trên cả luật pháp, sự xác nhận của chính vua còn mang ý nghĩa trọng đại hơn với người được xác nhận. Chúng ta nên để ý rằng dù là vua, quan, hay bất cứ ai khác ngoài gia phả có xác nhận thế nào, thì bản thân họ cũng không liên đới với người được xác nhận về mặt văn bản. Nghĩa là khi người được xác nhận đó phạm trọng tội gây liên đới với người trong họ ( tội tru di ba họ chẳng hạn), thì phạm vi trừng phạt là không bao giờ chạm tới nhà ông hàng xóm sát vách nếu ông ta không cùng họ tộc. Do vậy, với những trường hợp mà người xác nhận có uy tín thấp hơn vua, thì lời xác nhận đó khó được chấp thuận bởi nhiều người hơn. Đây là bản chất của vấn đề xác thực một người trong gia phả có tính chất ngoại sinh.
Chúng ta đã biết rằng những người trong họ tộc lập gia phả, tức là xác định mối liên hệ với nhau bằng văn bản, để phân biệt mình với một tập thể xã hội vô danh tính xung quanh. Và bằng cách xưng họ tộc, ngời ta có thể được đối xử khác với người ngoài dựa theo uy tín của họ tộc dù lúc đó những thành viên khác không đồng thời xuất hiện. Vậy, bằng cách nào mà một tập thể không thường hiện diện này lại có thể tác động lên những người bên ngoài khác ? Con người khi nhận ra nhau thường chia đối phương thành hai loại: quen và lạ. Tức là ở giai đoạn đầu, khi sự “quen biết” chỉ dừng lại ở các thông tin trực tiếp do giác quan mang lại, người ta có thể nhận diện người quen qua hình thể, cử chỉ, giọng nói. Sau khi tiếp nhận những thông tin cần thiết từ người đó, người ta mới có thể phân loại cụ thể hơn. Trường hợp hai người lạ mặt gặp nhau rồi xưng danh tính cũng vậy. Tôi không đồng ý với suy nghĩ rằng khi một người giới thiệu tên mình cho người đối diện, và khiến người đối diện cởi mở chỉ đơn thuần nằm ở lượng thông tin mà họ cung cấp. Bởi hiệu ứng gây ra là khác nhau với cùng một thao tác. Ta có một cô gái. Cô gặp một người qua đường, họ chào nhau, cô gái xưng tên, người kia cũng vậy, và họ trao đổi với nhau bình thường. Cũng cô gái đó, gặp một người khác, cô xưng tên rồi bị đâm chết. Hóa ra người kia là kẻ cừu địch với môt dòng họ mà tên gọi của cô gái kia đã thể hiện sự liên đới. Ví dụ của tôi có phần tiêu cực và đơn thuần tưởng tượng, nhưng thực tế chúng ta có thể kiểm nghiệm bằng cách chỉ ra mối quan hệ của mình với một người trong những môi trường khác nhau. Tôi thường làm vậy, nhất là khi ở bệnh viện gần nhà, bởi mọi người ở đó biết tên ba mẹ tôi, nên sự đối xử cũng khác hẳn. Như vậy, ít nhất một không bao giờ luôn là một trong vấn đề danh tính. Khi một người xưng danh tính, người đó muốn gửi một thông điệp không nằm trong nội dung thực thể của danh tính đó. Như cách người ta đặt tên cho nhau, bản thân danh tính đại diện cho một tập hợp bao gồm dòng họ người đó và bản thân người đó. Hay nói đúng hơn, danh tính đại diện cho quyền lực của dòng họ (là những người được kết nối với nhau thể hiện trong gia phả) và thông tin về người xưng danh. Về bản chất, danh tính một người vẫn là một tập hợp thông tin bao gồm phần hữu hình (chuỗi âm thanh tạo nên cái tên đó cùng những tiếp xúc trực quan với người đó), và phần vô hình (ý nghĩa tiềm ẩn). Nên nếu người nghe chẳng đủ công cụ tri thức để phân tích, thì những giá trị vô hình của cái tên đó rơi rụng dần. Bản nhạc kịch hoành tráng Notre dame de Paris, dù được tôi nghe đi nghe lại hơn chục lần, thì tới giờ, với trình độ tiếng Pháp chỉ dừng ở mức nguyên âm thì những lời ca trong đó chẳng khác gì một loại nhạc cụ đặc biệt tạo điểm nhấn. Như vậy, giá trị của danh tính nằm ở chỗ: nó biểu đạt được những gì lên người nghe. Và bởi danh tính là phần thể hiện thực tiễn của gia phả, nên giá trị của gia phả cũng chịu quy luật tương tự. Như vậy, khi nãy tôi vừa nêu một yếu tố quyết định giá trị của danh tính trong một người. Nếu người đó có ơn với tôi, và xa cách khiến tôi chỉ nhớ được cái tên, thì khi gặp một người cỡ tuổi đó, cùng tên đó, tôi sẽ có sự lưu ý đặc biệt. Tương tự, tôi cũng sẽ hành xử tương tự với người con của gia tộc có ơn với tôi. Lúc này, tôi đối xử với gia tộc như với một cá nhân: tôi mang ơn gia tộc nên tôi tốt với từng người trong gia tộc. Rõ ràng mối liên hệ giữa các cá nhân không phải là một tồn tại hữu hình, nhưng trong một số trường hợp, tôi vẫn đối xử với nó như với một cá nhân hiện hữu. Như vậy, còn điều gì ảnh hưởng đến cảm nhận về uy tín một gia tộc trong mắt một người. Ta dễ dàng nói thêm rằng uy tín của một gia tộc nằm ở tư cách đạo đức của những cá nhân trong gia tộc đó. Điều này dễ chấp nhận, nhưng nếu tôi nói uy tín của một gia tộc còn bị ảnh hưởng bởi những người không thuộc gia tộc đó thì sao ? Hẳn ta sẽ nghĩ đến những hành vi có liên đới giữa người ngoài và những người trong gia tộc đó. Nhưng tôi muốn nói đến trường hợp thú vị hơn khi một người không liên quan gì đến gia tộc vẫn có thể làm tổn hại đến uy tín gia tộc. Hẳn ta biết đến những vụ lừa đảo mạo danh, khi kẻ lừa đảo mạo danh một người để vay tiền. Thời đại bây giờ, chúng ta đủ phương tiện để xác thực lời nói đó, chứ ngày xưa thì không. Và dù cho ở thời buổi bây giờ, chẳng phải cái tên được kẻ lừa đảo nhắc tới vẫn có một uy tín đủ để ta phải làm động tác xác thực hay sao ? Nếu kẻ lừa đảo sử dụng tên của một người từng quỵt tiền tôi, hẳn tôi sẽ không ngại ngần mà đuổi cổ hắn khỏi cửa. Nhưng ngày xưa, khi sự xác minh trực tiếp chưa xuất hiện, đây chẳng phải là sự tổn hại uy tín nghiêm trọng đối với một gia tộc sao ? Sự thể sẽ thế nào nếu một xứ xa cách nào đó có mối quan tâm tới gia tộc kia lại liên tiếp nhận được những tin lừa đảo kiểu như vậy.
Ta có thể thấy ở đây có một vấn đề hai chiều cần làm rõ. Như ví dụ vừa nói, rõ ràng uy tín của gia tộc lại vô tình gây nên mối nguy hại với thành viên trong gia tộc đó. Những lời vu khống được đặt ra có mục đích. Nhưng trong một xã hội ổn định, người ta ít bị kích động bởi những yếu tố như vậy, bởi có thể người ta không biết về gia tộc đó, nhưng mối liên hệ của nó với một gia tộc khác mà họ quen thuộc hơn có thể là một đảm bảo đủ mạnh, nếu trong một xã hội ổn định về giá trị thông tin. Như vậy, trình độ nhận thức danh tính của người nghe quyết định hiệu lực của danh tính, và một xã hội ổn định đảm bảo được một cái tên sẽ thể hiện đúng như cái nó sở hữu.
Còn về góc độ cá nhân tác động lên dòng tộc, ta hãy tạm đi ngược chút nữa để tiện quan sát. Cũng áo mão cân đai. Cũng lính hầu, xe ngựa. Cũng bộ tịch uy quyền. Nhưng sao người ta có thể cười ồ khi một nghệ sĩ hát tuồng đóng vai quan ngã ngựa, và sụp lạy như tế sao khi diện kiến một ông quan với bộ dạng chẳng khác như vậy mấy ? Do độ chân thật về hình ảnh ? Do cái áp lực khi diện kiến “hàng thật”? Tôi không cho là vậy. Bởi lẽ ông quan đó nếu tới một xứ xa lạ và đứng kế đám hát, người ta vẫn chạy tới vặt râu ông để làm trò cười. Người ta lạy ông quan bởi vì niềm tin vào suy nghĩ rằng “cái ông đen thui có râu đó là quan”. Bạn la lên “ăn trộm”, người ta sẽ giật mình. Họ hiểu rõ hai chữ “ăn trộm” nghĩa là gì. Nhưng phải tới khi xác thực rằng có trộm ( mất đồ, kẻ trộm chạy,…), thì người ta mới “ đúng trộm rồi” và chạy rượt theo. Nghĩa là nhận thức phải được củng cố bằng niềm tin thì mới được chuyển thành hành vi có ý thức. Tương tự như vậy, người ta phải tin rằng “quan là quan” thì quan mới được đối xử như quan. Cũng niềm tin đó, nhưng khi nghĩ “quan là hề”, người ta cười, còn nghĩ “quan là quan”, người ta lạy. Sự khác biệt về hành vi lại nằm ở chữ “quan” đầu tiên kia. Bởi ông quan đó là tập hợp những gì hiện hữu ( một thân xác, áo mão, quân hầu,…) và thứ không hiện hữu ( những quyền lực của ông quan được đảm bảo bởi uy quyền của vua, và nói đúng hơn, là uy quyền của quan được đảm bảo bởi khế ước giữa vua và cả đất nước). Cái vế sau mới là sự khác biệt dẫn tới thái độ và hành vi của ngừi khác khi biết quan là quan hay quan là hề. Và lúc này, “quan” là danh tính đại diện cho một thế lực “họ tộc” mà quy mô của nó bao gồm tất cả họ tộc và cá nhân không họ tộc tồn tại trong đất nước đó. Sự tồn tại của “họ tộc” lớn này là sự nhập nhằng những quan hệ huyết thống, và giữa các họ lớn hay những người không họ tộc được liên kết với nhau bởi yếu tố khác quan trọng hơn: yếu tố duy trì sự tồn tại của tất cả họ tộc. Nói như vậy để thấy rằng ở phạm vi hành chính, chính trị, “họ tộc” vẫn có những ảnh hưởng nhất định của nó, dù được thể hiện ở hình thức và quy mô khác. Đồng thời, nó là sự đảm bảo quyền lực của mỗi cá nhân mang danh nghĩa của chính nó. Dễ thấy rằng đổi lại, uy quyền của một triều đình phụ thuộc vào tài năng của lớp quan lại, những người hiện thực hóa quyền lực. Về phía họ tộc, là một trưởng tộc, nếu được chọn, tôi sẽ cố gom hết những ai có địa vị xã hội vào trong họ của mình, và loại hết những kẻ có nguy cơ kéo lùi danh tiếng họ tộc. Lúc này, một ngưỡng trung bình được đặt ra mà những kẻ dưới ngưỡng sẽ là yếu tố kéo lùi uy thế họ tộc.
Từ những điều trên, tôi đưa ra một số tổng kết thô thiển như sau:
-            Gia phả được xác lập dựa trên nhu cầu xác nhận về danh tính. Các yếu tố xác định và xếp loại trong gia phả có thể được đảo lộn mức độ quan trọng vì mục đích duy trì sự tồn tại của họ tộc trong gia phả đó.
-            Gia phả là sự thỏa thuận về địa vị các mối quan hệ được xác tín bởi những người trong mối quan hệ đó.
-            Thông qua sự xác lập các mối quan hệ, và chịu sự chi phối của yếu tố lịch sử, gia phả tạo mối liên đới về nguy cơ, lợi ích giữa các cá nhân khác nhau trong họ tộc.
-            Tính ưu việt của danh vọng gia tộc thể hiện rõ nhất trong một xã hội ổn định. Ngược lại, nó sẽ bị đe dọa khi các nền tảng thông tin trong xã hội đó bị đảo lộn, nhất là các vấn đề liên quan đến thông tin của gia tộc.
-            Mỗi cá nhân trong gia phả là một sự hiện thực hóa gia phả. Cá nhân đó được thừa hưởng quyền lực của họ tộc dựa vào địa vị trong họ tộc đó.
-            Địa vị một cá nhân trong họ tộc chịu chi phối bởi địa vị xã hội, có khả năng làm vững mạnh hay suy yếu quyền lực của họ tộc.
-            Giá trị đối nội của một chi họ nằm ở uy tín xác định danh tính, khả năng đảm bảo các quyền lợi, và đảm bảo nhu cầu tạo môi trường sống cho các thành viên.
-            Giá trị đối ngoại của một họ trên từng thành viên nằm ở khả năng xác thực mối liên hệ của thành viên đó. Sự xác thực đó không chịu quyết định bởi thành viên, mà nằm ở các cá nhân của xã hội và phụ thuộc vào nhận thức của xã hội đói với cá nhân đó. Thông tin xã hội về danh tính càng ổn định, khả năng xác định danh tín càng cao. Uy tín của danh tính có thể được xác thực mà không cần sự đảm bảo về pháp lý hay trực quan trong một xã hội ổn định về thông tin danh tính. Ngược lại, một người đúng thật thuộc họ tộc đó vẫn có thể bị phủ nhận danh tính khi thông tin xã hội về danh tính bị đảo lộn.
-            Ở khía cạnh tiêu cực, danh tính có thể là chỉ điểm nguy hiểm để một cá nhân chịu trừng phạt xã hội.
Như vậy, trong một xã hội biến động bởi yếu tố lịch sử, sự tản mác và thiếu liên lạc giữa các vùng dân cư, nhu cầu sử dụng gia phả như một “danh tính về thế lực” sẽ không cao. Nhu cầu này càng nhỏ hơn nữa khi bản thân cá nhân đó không đảm bảo về địa vị, có mối nguy về tính mạng khi lộ danh tính, thiếu ổn định chỗ ở. Dựa vào những đặc thù lịch sử của một miền Nam đầy biến động, tôi nhận thấy hầu hết người miền Nam không cần một ghi chép mà lợi ích thì mơ hồ, còn nguy cơ thì rõ rệt. Nếu nói về mặt lý luận, thì quan điểm “duy trì sự tồn tại của họ tộc cao hơn bản chất xác thực của gia phả” phù hợp với hiện tượng trên. Điều đó đúng khi xem xét về số lượng dòng họ sở hữu gia phả chênh lệch lớn ở các miền do khác biệt về tính chất lịch sử, độ ổn định xã hội. Và nếu soi chiếu ngược lại ở những gia tộc sở hữu gia phả, sự vững mạnh của gia tộc đó là vấn đề dễ nhận thấy.